banner_.gif
THÔNG BÁO


Mọi thông tin liên hệ: 

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Eveil

Biệt thự A2 - TT4 - Phùng Khoang - Thanh Xuân - HN
ĐT: (04) 3787 2274 
Hotline: 0915 808 968
Website: www.eveil.vn
E-mail: info@eveil.vn
Facebook: www.facebook.com/eveilsangtao





NHẬN BẢN TIN
Nhập địa chỉ email của bạn để nhận bản tin từ Eveil
TÌM KIẾM
Nhập nội dung bạn cần tìm!
"Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình ." - Can Jung; "Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn ." - Uyliam Batơ Dit; "Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình ." - Socrates
Người phụ nữ phiêu lưu (Báo Tiếp thị và Gia đình)
Người phụ nữ phiêu lưu

Tự nhận mình là người liều lĩnh nhưng mỗi quyết định của chị chứa nhiều tâm ý. Chị là Dương Thị Quỳnh Hoa, giám đốc trung tâm Eveil.

Căn phòng nhỏ được sắp xếp và bài trí sinh động. Ngồi sau những chiếc bàn đủ hình dạng, các cô, cậu bé học trò trên dưới mười tuổi đang chăm chú lắng nghe từng lời của cô giáo. Nhìn ánh mắt háo hức của các em, tôi càng thêm say sưa với bài giảng môn Đọc – Diễn thuyết của mình.

“Ai có thể nói cho cô biết khi mẹ hoặc người thân trong gia đình bị ốm, các con sẽ làm gì đầu tiên?” Tôi hỏi các học trò nhỏ. Ngay lập tức những cánh tay giờ cao và tiếng trẻ nhao lên phát biểu. Cử chỉ dứt khoát và vẻ mặt đầy hứng thú của các em thật khác xa với vẻ rụt rè ban đầu khi đến lớp. Tôi mỉm cười hài lòng. Nỗ lực của tôi suốt 2 năm qua đã thật không uổng phí.

Sự đam mê dành cho nghệ thuật

Tôi sinh ra tại Ninh Bình. Vì yêu văn hóa và văn minh Pháp, tôi chọn học ngôn ngữ Pháp trong khi học tiếng Nga mới là mốt lúc đó. Tôi lặn lội lên thành phố Nam Định ở nhà bác ruột suốt 3 năm cấp ba để học tiếng Pháp tại trường Lê Hồng Phong.

Hết cấp III, tôi thi đỗ 3 trường nhưng chọn khoa tiếng Pháp của Trường ĐH Sư Phạm Ngoại Ngữ với ước mơ trở thành cô giáo. Sau khi tốt nghiệp năm 1995, tôi dạy tiếng pháp tại trường ESTIH.

Ba năm sau, tôi công tác tại Đại sứ Quán Pháp, trên cương vị trợ lý văn hóa. Ở đây tôi có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với nhiều nghệ sĩ. Như được khai nhãn, thế giới nghệ thuật mở ra trước mắt tôi với bao điều lạ lẫm.

Khao khát tìm hiểu thêm, tôi miệt mài trau dồi kiến thức qua công việc, tạo lập nhiều mối quan hệ với các nghệ sĩ việt nam và nước ngoài. Năm 2004, tôi giành được học bổng sang Pháp học thạc sĩ.

Đất nước của tháp Eiffel, tôi mới biết trẻ em ở đây được tiếp xúc với nghệ thuật từ rất sớm. Một anh bạn Pháp bảo tôi: ‘’Học nghệ thuật từ nhỏ giúp làm phong phú và nâng tầm hiểu biết của trẻ em về thế giới. Nghệ thuật không chỉ để giải trí, nghệ thuật còn là người thầu xây dựng nhân cách và trí thức sống”.

Nghe anh nói tôi thầm tiếc và nhủ thầm giá mình được biết sớm hơn. Tôi ao ước và quyết tâm không để các con mình chịu thiệt thòi như mẹ ngày xưa.

Trong một lần dùng cơm ở nhà cô bạn người Pháp, lại thêm bất ngờ thú vị nữa đến với tôi. Cô bạn tôi có 2 cô con gái, một đứa bốn và một đứa sáu tuổi. Sau khi khách mời đã yên vị trên sofa, hai cô bé đội tóc giả, đeo đàn guitar, vừa nhảy, vừa hát một ca khúc thiếu nhi. Giọng trẻ con líu lo và điệu nhảy ngộ nghĩnh làm tôi bật cười và thích thú.

Kết thúc tiết mục văn nghệ, các cháu nhìn đồng hồ, chào tôi và đi vào phòng. Tôi ngạc nhiên: ‘’Bọn trẻ đi đâu thế?”. Cô bạn tôi mỉm cười: ”Đến giờ ngủ rồi chúng đi đánh răng và vào giường”.

Bất giác, Tôi buông một câu ngớ ngẩn: ”Cậu không phải giúp chúng à?”. Cô bạn tôi tròn xoe mắt: ”Tại sao lại phải giúp? Chúng tự làm được mà”. Tôi cười và lái sang chuyện khác, nhưng trong đầu chợt hiện lên hình ảnh cô con gái bốn tuổi của mình vẫn còn làm nũng mẹ từng thìa cơm.

Đêm hôm ấy, tôi không sao ngủ được. ”Sao lại có sự khác biệt quá lớn giữa trẻ em Pháp và trẻ em Việt Nam vậy nhỉ? Có lẽ là do cách giáo dục. Mình phải dạy con tự tin và tự lập như thế”, tôi thầm nghĩ và thiếp dần vào giấc ngủ.

Từ yêu con đến yêu trẻ

Sau khi hoàn thành chương trình Thạc Sĩ, tôi chở về Việt Nam. Việc đầu tiên tôi làm là tìm lớp sinh hoạt ngoại khóa cho cậu con trai và cô con gái nhỏ. Tôi tham quan rất nhiều trung tâm thiếu nhi ở Hà Nội nhưng đều thất vọng.

Những trung tâm ấy, nơi thì đông kín học sinh, chỗ lại sơ sài về nội dung giảng dạy. Mang tâm sự chia sẻ với mọi người, tôi nhận được rất nhiều sự đồng cảm. Nhu cầu được học tập và vui chơi của trẻ em là có thật và rất bức xúc. Tôi manh nha ý định nghỉ việc để thành lập Trung Tâm Sáng Tạo cho thiếu nhi.

Không chỉ chồng tôi, bạn bè và những người thân khác trong gia đình cũng phản đối ý định ấy. Từ bỏ sự nghiệp chín năm trên cương vị Trợ Lý Văn hóa, công việc mà nhiều người ao ước, để lao vào cuộc phiêu lưu mới, với họ thật liếu lĩnh và điên rồ.

Phải mất một thời gian, tôi mới thuyết phục được chồng đồng ý. Việc thành lập Trung Tâm cần khá nhiều tiền mà tôi chỉ có hai bàn tay trắng và một mơ ước liều lĩnh. Tôi chưa dám nghĩ làm ngay mà vừa làm vừa đăng ký dạy thêm ngoại ngữ tại Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn.

Trong số những người bạn tôi chia sẻ mơ ước, chỉ có một cô giáo người Pháp tôi quen ở Đại Sứ Quán và một chị bạn đồng nghiệp tán đồng và hăm hở tham gia.

Sau nhiều tính toán thiệt hơn, tôi quyết định nghỉ việc trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp và người thân. Khi đặt tên cho Trung Tâm, tôi nghĩ đến câu nói của họa sĩ Picasso: ”Mỗi trẻ em là một nghệ sĩ”. Tôi muốn khơi dậy tiềm năng nghệ thuật trong mỗi người từ khi còn bé. Trong tiếng Pháp, Eveil có nghĩa là Khơi Dậy.

Một mình đương đầu với thử thách

Tháng 9 năm 2006, Trung Tâm Eveil chính thức ra đời với duy nhất một giám đốc, một cô giáo người Pháp và một vài lớp Múa, Nhạc, Nhiếp ảnh… Thế nhưng, chỉ sau hai tháng, tôi và người cộng sự có nhiều quan điểm không hợp nhau. Sự bất đồng khiến chúng tôi nảy sinh nhiều mâu thuẫn và chia tay.

Chỉ còn một mình tôi phải tự tìm địa điểm, thực hiện các thủ tục pháp lý, lên chương trình dạy học… Một ngày làm việc của tôi kéo dài 18 tiếng, từ lúc mặt trời mọc đến tận khi trăng lên. Không đêm nào tôi về nhà trước 23 giờ. Một mình một xe làm bạn với ánh đèn đường, tôi tủi thân đến bật khóc.

Không ít lần tôi mệt mỏi đến mức tưởng như gục ngã. Tôi thèm được trở lại nhịp sinh hoạt như ngày xưa: Sáng đi làm, chiều về với chồng con, sống cuộc sống ổn định. Những khi ấy, tôi tự hỏi mình: ”Chẳng lẽ mình đi sai đường? Không! Mình làm đúng và mình phải làm được”.

Vấp váp với người cộng sự đầu tiên đã khiến tôi cẩn trọng hơn. Tôi đề ra tiêu chí quan trọng nhất của người cộng tác là phải thật sự tâm huyết và yêu trẻ. Với những mối quan hệ từ khi làm trợ lý văn hóa tại Đại Sứ Quán Pháp, Tôi gây dựng hệ thống giáo viên và cộng tác viên thuộc nhiều ngành nghệ thuật khác nhau như: Hội họa, Âm nhạc, Ảo thuật, Múa…

Tôi chăm chút cho Eveil từng chiếc bàn, chiếc ghế. Không gian học tập và vui chơi được bài trí sinh động, đẹp mắt và sắp xếp linh hoạt để mỗi học sinh đều trở thành trung tâm của lớp.

Để khơi dậy tình yêu và tiềm năng nghệ thuật của học trò nhỏ, phương pháp giảng dạy ở Eveil là gợi mở. Học sinh là trung tâm, giáo viên là người khơi gợi và định hướng. Chúng tôi dạy các em biết cách quan sát, tìm hiểu, khám phá chính mình và thế giới xung quanh.
Với môn học Múa, tôi hướng các em khám phá những vũ điệu và ngôn ngữ riêng của cơ thể. Thay vì dạy các em theo mẫu, tôi để các học trò của mình tuỳ ý dùng màu sắc để diễn đạt trí tưởng tượng, óc sáng tạo và cảm xúc của mình.

Phần thưởng lớn là sự động viên của gia đình.

Lúc đầu chồng tôi rất thờ ơ với công việc của vợ. Thỉnh thoảng, anh mới ghé Trung Tâm. Ngày nào, tôi cũng rót vào tai anh chuyện của Eveil nhưng anh vẫn không nhớ nổi Eveil có bao nhiêu lớp và dạy môn gì.

Dần dần, sau nhiều nỗ lực “dụ dỗ” của tôi, anh bắt đầu thấy hứng thú và bắt tay giúp vợ. Các con tôi cũng thế, chúng lo theo nỗi lo của mẹ và vui với từng bước phát triển của Eveil. Đó chính là phần thưởng và nguồn động viên lớn nhất của tôi trên chặng đường đầy thử thách.

Trong số các môn học ở Eveil, tôi tâm đắc nhất môn Đọc - Diễn thuyết. Đây là môn học không những giúp các em phát triển và hoàn thiện ngôn ngữ mà còn trau dồi kỹ năng sống, biết cách ứng xử và quan tâm đến mọi người.

Trước khi tham gia lớp Đọc - Diễn thuyết, các em rất thụ động và nhút nhát. Thế nhưng, trải qua ba khóa học, các học trò cởi mở và tự tin hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, các em còn quan tâm đến người thân bằng những lời thăm hỏi, những cánh thiệp tự làm…

Hạnh phúc nhất là con trai tôi cũng tiến bộ rõ rệt. Cháu đã biết quan tâm đến mẹ bằng những cốc nước mát trao tận tay, thường xuyên làm tặng mẹ những sản phẩm sáng tạo với những lời yêu thương, tham gia tích cực các hoạt động của Eveil…

Gần hai năm hoạt động trung tâm Eveil đã trở thành một địa chỉ uy tín đối với các bà mẹ trẻ. Ngay từ khi tôi quyết định rời khỏi Đại sứ quán Pháp, tôi đã tin rằng mình đã thành công. Phải thành công, tôi mới dám liều lĩnh và phiêu lưu như thế!

Giáng Ngọc 
Báo Tiếp thị và Gia đình số ra ngày 21/07/2008
(Ghi theo lời kể của Giám đốc Evveil  Dương Thị Quỳnh Hoa)






Các tin khác