banner_.gif
THÔNG BÁO


Mọi thông tin liên hệ: 

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Eveil

Biệt thự A2 - TT4 - Phùng Khoang - Thanh Xuân - HN
ĐT: (04) 3787 2274 
Hotline: 0915 808 968
Website: www.eveil.vn
E-mail: info@eveil.vn
Facebook: www.facebook.com/eveilsangtao





NHẬN BẢN TIN
Nhập địa chỉ email của bạn để nhận bản tin từ Eveil
TÌM KIẾM
Nhập nội dung bạn cần tìm!
"Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình ." - Can Jung; "Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn ." - Uyliam Batơ Dit; "Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình ." - Socrates
Hội thảo "Triết lí giáo dục"
HỘI THẢO “TRIẾT LÍ GIÁO DỤC”


Thứ 6, ngày 02/12/2011 vừa qua, Khoa Quốc Tế Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội đã tổ chức chương trình tọa đàm mang tên “ Triết lí giáo dục”. Hội thảo có sự góp mặt của rất nhiều diễn giả nổi tiếng, từng giữ nhiều trọng trách lớn trong ngành giáo dục. 
Tại buổi hội thảo, các diễn giả đã có buổi tranh luận sôi nổi về thực trạng và những giải pháp cho ngành giáo dục các cấp.



Giáo sư Chu Hảo đã chỉ ra nhiều bất cập trong cơ chế đổi mới giáo dục. Theo ông, giáo dục Việt Nam "càng đổi - càng cũ, càng cải - càng lùi" không phải do chính sách chưa đúng đắn mà do cơ chế quản lý giáo dục quá kém nên quá trình thực hiện không triệt để. Về chương trình sách giáo khoa thì cần phải làm lại. do sách giáo khoa hiện nay còn thiếu những cái quan trọng trong khi thừa những cái không cần có. Về vấn đề này, Nhà giáo Nguyễn Tuyết Minh lại đưa ra hướng giải quyết khác. Theo bà, làm lại chương trình sách giáo khoa rất tốn kém, người ta tốn hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng cho một trang sách giáo khoa. Vậy tại sao không sử dụng số tiền ấy cho việc làm lại đường, làm cầu, hay xây nhà vệ sinh cho học sinh để không còn cạnh học sinh vượt lũ đi học… Chỉ cần có những tờ ghi chú kèm theo SGK ghi những chỗ sai là được.


Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, người dịch John Dewwey ra tiếng việt lại phân biệt hai khái niệm " Triết lí giáo dục" và "Triết học giáo dục”. Theo ông, “Triết học giáo dục” không thay đổi khách quan mà phát triển cùng với sự khai minh của loài người. Trong khi đó “Triết lí giáo dục” lại mang tính kinh nghiệm cá nhân, do đó có sự thay đổi qua các thời kì. Trong lịch sử,Việt Nam cũng từng tồn tại triết lí giáo dục “Khoa học nhân bản khai phóng”. Tuy nhiên hiện nay, các nhà lãnh đạo giáo dục vẫn chưa tìm ra được triết lí chung cho sự phát triển của giáo dục. Dịch giả cũng đề cập đến sự phát triển ồ ạt của các trung tâm kĩ năng sống hiện nay và đưa ra lời cảnh báo: Hãy cẩn thận với khẩu hiệu “Học mà chơi – Chơi mà học”

Phát biểu tại buổi hội thảo về vấn đề này, Thạc sĩ Dương Thị Quỳnh Hoa, GĐ Trung tâm phát triển Sáng tạo Eveil cũng đã có những chia sẻ thiết thực về giáo dục dựa trên hoạt động thực tế của trung tâm Eveil trong suốt 5 năm qua. 


Bà Dương Thị Quỳnh Hoa chỉ ra 3 yếu tố cần thiết trong giáo dục, đặc biệt là với đối tượng trẻ em theo quan niệm của cá nhân:

1. Cần có môi trường giáo dục tốt: Giáo dục cũng giống như quá trình trồng cây, phải chọn đất để ươm hạt giống. Con trẻ cũng giống những mầm cây kia, chỉ có thể phát triển trên đất môi trường đất tốt, không ô nhiễm. Eveil tự hào đã xây dựng được môi trường giáo dục tốt cho trẻ. Môi trường giáo dục tốt bao gồm cả những yếu tố về cơ sở vật chất và tinh thần. Về vật chất, cần tạo cho con môi trường học tập sạch sẽ, thoáng mát, có đủ ánh sáng. Không gian được trang trí đẹp, kích thích sự sáng tạo và hứng thú học tập cho các con, các trang thiết bị đầy đủ phục vụ cho quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh. Yếu tố tinh thần cũng rất quan trọng. Không chỉ giáo viên mà đội ngũ nhân viên ( VD như bác bảo vệ, cô lao công, cô lễ tân…) cũng cần đón tiếp học sinh một cách niềm nở, thân thiện, xây dựng được lòng tin và sự an tâm của học sinh.

2. Cần phải có Tâm: Là người giáo viên, muốn giáo dục học sinh tốt thì phải có Tâm sáng. Tâm là gì? Đó là lòng yêu nghề, yêu trẻ, là đạo đức nghề nghiệp. Người giáo viên trước hết phải là tấm gương tốt về tâm hồn để học sinh soi chiếu vào. Cần chú ý, cẩn trọng trong cách ăn nói, cư xử với học sinh hay đồng nghiệp… Thương yêu học sinh và làm cho học sinh tin tưởng, tôn trọng cũng là cách để đem kiến thức đến với học sinh nhanh nhất. PGS Nhà giáo Nguyễn Tuyết Minh cũng đồng tình với quan điểm này. Bà cũng chỉ ra vai trò quan trọng của cái Tâm trong giáo dục qua kinh nghiệm giảng dạy của mình “ Bí quyết thành công của giáo dục là sự dịu dàng của nghiêm khắc và nghiêm khắc trong sự dịu dàng”. Bà cho biết trong quá trình dạy học, học sinh chỉ tiếp nhận được 10% tri thức, còn 25% qua giọng điệu và 65% qua cử chỉ phi ngôn ngữ của giáo viên.

3. Cần có phương pháp giáo dục đúng đắn: Từ xưa đến nay, tuy đã rất nhiều lần đổi mới nhưng giáo dục Việt Nam vẫn đi theo lối mòn đề cao lý thuyết đọc – chép. Cách dạy đó đã không còn phù hợp với xã hội hiện nay, càng không phù hợp với đối tượng trẻ em. Trong thực tế, từ năm 2006, Eveil đã áp dụng mô hình giáo dục đề cao tư duy sáng tạo cho trẻ. Về các môn học tại Eveil, Ths. Dương Thị Quỳnh Hoa đã chọn lựa các môn kích thích tư duy sáng tạo mà hệ thống trường học còn chưa làm được như: Tạo hình, Diễn thuyết, Cảm thụ âm nhạc, Dance Sport, Múa, Ảo thuật… Những môn học này đều nhằm hình thành cho trẻ có tâm hồn đẹp, biết hướng tới Chân – Thiện – Mĩ. Trẻ được tự do sáng tạo và phát biểu quan điểm cá nhân. Bên cạnh đó, ngoài việc sử dụng các phương pháp giáo dục mới, giáo viên cũng cần chú ý đến tâm lý của trẻ. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, tâm lý của trẻ lại có những thay đổi và yêu cầu người giáo viên phải có năng lực giảng dạy cũng như tổ chức lớp học linh hoạt cho phù hợp với mỗi lứa tuổi.

Buổi hội thảo trở nên sôi nổi hơn khi đến phần Tọa đàm mở rộng giữa các diễn giả và khách mời. Có khách mời đưa ra câu hỏi “Có nên hay không giáo dục nhân văn cho học sinh. Bởi nếu nhân văn thì các em sẽ bị lạc lõng, khó sống được trong xã hội Việt Nam hiện nay khi mà bệnh “vô cảm” ngày càng trầm trọng, nạn bạo lực học đường gia tăng, ra đường thì tắc đường, ai cũng bon chen?”


Trả lời về vấn đề này, Ths. Quỳnh Hoa nêu rõ quan điểm cá nhân. Theo bà, nguyên nhân gây ra bệnh vô cảm hay bạo lực học đường chính là do giáo dục mầm non chưa được chú trọng. Tại sao những người học Đại học, Cao học ra thì giảng dạy ở bậc Trung học, Đại học trong khi giáo viên mầm non, Tiểu học phần lớn lại là những người tốt nghiệp Cao đẳng, trung cấp? Rõ ràng, nhân cách của trẻ cần được hình thành từ lứa tuổi mầm non, tiểu học. Nếu không chú trọng phần gốc thì sao có thế uốn nắn phần ngọn. Thiết nghĩ, việc giảm thiểu bạo lực học đường cũng vậy. Khi các em còn nhỏ, cha mẹ thầy cô vẫn để các em xem phim hoạt hình, xem truyện tranh hay chơi siêu nhân, kiếm…(những đồ chơi mang tính bạo lực). Ngay cả những câu chuyện cổ tích của Việt Nam cũng mang tính bạo lực cao. VD như trong truyện Tấm Cám có nhiều đoạn Dì ghẻ mưu sát Tấm. Ngay đến nhân vật Tấm – đại diện cho cái Thiện cũng giội nước sôi chết mẹ con Cám. Vậy có nên đổ lỗi 100% tại các em hay không khi các em bị cuốn vào bạo lực học đường khi các em tiếp xúc với bạo lực ngay từ nhỏ và khi những người làm giáo dục vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của giáo dục trẻ ? Còn về việc giáo dục nhân văn thì không thể từ bỏ và không được phép từ bỏ. Vì cái giáo dục cần làm bây giờ là hướng thiện cho con người. Bà cũng chia sẻ những trăn trở của bản thân: “ Trung tâm Eveil của tôi tự hào là trung tâm đầu tiên có chuẩn bị các bữa ăn nhẹ giữa giờ học cho các em. Thời gian đầu tôi cũng rất buồn khi thấy trong giờ ăn các bạn tranh giành nhau hay có bạn cho vào túi, lấy đồ ăn về. Nhưng chúng tôi phải lồng ghép giáo dục nhân văn vào trong cả những giờ ăn, dạy các con biết lịch sự, nhường nhịn lẫn nhau. Bây giờ, nếu các bạn vào thăm bất kì một lớp học nào của trung tâm, vào giờ ăn các con đều mời nhau, mời giáo viên và rất từ tốn, lịch sự. Hay trong những buổi dã ngoại, các con đi rất thẳng hàng thẳng lối, anh chị lớn hơn thì quản em bé, giúp đỡ các em. Tôi thấy đó là cái nhân văn rồi. Một giảng viên Đại học Bách Khoa cũng phản bác về câu hỏi trên " Tôi nghĩ không phải vì một vài con sâu mà đổ cả nồi canh. Sao có thể vì một vài hiện tượng xã hội mà bỏ đi lý tưởng sống nhân văn? Theo tôi thì giáo dục nhân văn cần từ bé và lan truyền. Tôi dạy cho mấy trăm học sinh của tôi, rồi mỗi học sinh của tôi truyền lại cho một người là tôi đã rất thành công rồi”.


Buổi hội thảo kéo dài bởi những cuộc tranh luận khác. Nhiều bức xúc, nhiều khó khăn được nêu ra, nhưng câu hỏi chủ đề dường như vẫn còn bỏ ngỏ “ Triết lí giáo dục là gì? Và Triết lí nào cho giáo dục Việt Nam?”

Tin về "Hội thảo triết lí giáo dục" trên các báo:


Phóng Viên Eveil.


Các tin khác