Không theo một trường phái nào cụ thể, họ - những người được xem là nhân tài của thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau – đều có những phương cách riêng để nuôi dạy con thành tài, thành người sống có mục đích và lý tưởng.
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Khuôn phép trước, phá cách sau
Ngô Bảo Châu chụp ảnh cùng con gái và mẹ
Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, điều quan trọng nhất vẫn là dành thời gian cho con; thứ hai là phải biết lắng nghe con trẻ nói và tôn trọng ý kiến của con; thứ ba là mình vẫn phải làm bố, chứ không phải làm bạn của con.
Lúc đầu, Giáo sư Ngô Bảo Châu khá tin vào các phương pháp giáo dục từ sách vở. Nhưng càng ngày, anh càng thấy chúng chỉ áp dụng được cho số lớn, không áp dụng được cho số nhỏ là mình và con cái của mình. Cái chính vẫn là phải có thời gian cho con, biết lắng nghe và động viên con.
Sai lầm lớn nhất, mà bản thân anh cũng đã mắc phải, là nghĩ cái gì tốt cho mình thì ắt là tốt cho con. Biết chính xác cái gì tốt cho con mình là rất khó. Tiềm năng của mỗi đứa trẻ rất khác nhau. Để hiểu được, phải cần nhiều thời gian.
Cái khó nhất của người làm bố mẹ là nhận ra đâu là tiềm năng của con để giúp nó trở thành khả năng. Tuy vậy, vẫn có một số việc tốt cho mọi trường hợp, chẳng hạn như mỗi ngày đọc sách cho con.
Nhiều người thích làm cách mạng giáo dục, cứ bắt thầy với trò là bạn, bố với con là bạn. Cái này cực kỳ sai lầm vì thực ra trò cần mình làm thầy, chứ không cần mình làm bạn. Con cần mình làm bố chứ không cần mình làm bạn. Làm bạn có thể vui hơn, nhưng trẻ con sẽ bị thiệt thòi.
Làm thầy, làm bố không đồng nghĩa với độc tài, mà là có ý thức để một số ranh giới không cho trẻ vượt qua vì có thể nguy hiểm đến thể xác hoặc sự phát triển của tâm hồn.
Trẻ sẽ không giận nếu trong một số việc mình quyết định thay cho nó, mà có khi không giải thích được cặn kẽ. Chỉ có điều quyết định của mình phải nhất quán, không tùy tiện, nay thế này mai thế khác.
Có những chuyện không nên nói với trẻ con, điển hình là tiền. Trẻ con nhà anh chỉ hiểu sơ sơ là tiền dùng để mua các thứ đồ dùng và cần tiết kiệm tiền. Hoàn toàn không có khái niệm là phải đi làm để kiếm tiền.
Biết tiết kiệm chính là cách tốt nhất để không bị lệ thuộc vào đồng tiền. Có thì tốt, không có thì thôi.
Vai trò của xã hội, theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng, cũng có ảnh hưởng trong việc giáo dục trẻ con. Bạn bè thân gặp nhau cũng là dịp để con cái chơi với nhau. Chúng chơi với nhau để khỏi phải chơi với cái máy tính.
Trẻ con luôn cần một mẫu hình để noi theo. Qua bạn bè của con, cha mẹ cũng dễ giải thích cho con nhiều điều hơn. Tại sao bạn này làm như thế là không hay, tại sao bạn kia làm như thế này là đúng.
Những hoạt động tập thể như cắm trại, đi bộ, đạp xe việt dã, tham gia hoạt động xã hội một cách có tổ chức, có lẽ là cách giáo dục tốt nhất về kĩ năng sống cho các em. Tuổi vị thành niên là tuổi mà người ta bắt đầu có ý thức về bản thân, nên rất say sưa tìm hiểu bản thân.
Vì thế mà khả năng giao tiếp xã hội có phần kém đi so với các em bé cấp một, cấp hai. Phần đông các em thích những hoạt động tập thể, nếu nó không đi kèm với quá nhiều tiết mục giáo dục.
Giáo sư Ngô Bảo Châu rất “mê tín” phương pháp. Học cái gì cũng phải có phương pháp, chứ không thể học kiểu lãng tử được. Với trẻ con, ban đầu cần phải gò vào khuôn, sau đó thì mới có thể nổi loạn, phá cách.
Trước hết phải có cách thì mới có cái gì mà phá, chứ ngay từ đầu đã hỗn mang thì mức độ sáng tạo sẽ rất vừa phải. Các triết lý chung chỉ nên dừng ở mức là bảo mình không nên làm gì, chứ không nên bảo mình phải làm gì và phải làm như thế nào.
Hillary Clinton: Người mẹ nghiêm khắc
Chelsea và mẹ, bà Hillary Clinton
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là một phụ nữ cứng rắn. Đối với con cái, bà rất nghiêm khắc. Bà không cho con gái làm quen với những trò điệu đàng của tuổi mới lớn như thử quần áo của mẹ hoặc bắt chước người lớn trang điểm.
Ngay khi Chelsea mới 7 tuổi, bà đã dạy con biết những “chuyện phức tạp”, đại loại như thế nào là thay đổi công việc. Do vậy, cô bé sớm hiểu biết về cuộc sống của người lớn.
Thỉnh thoảng, Chelsea đưa bạn bè về Nhà Trắng chơi bowling và xem phim trong phòng chiếu. Những lúc bọn trẻ lỡ làm rơi vãi bỏng ngô xuống sàn nhà, Chelsea được mẹ nhắc nhở nhặt lên ngay.
Đây là kinh nghiệm học từ Jacqueline Kennedy: Phải dạy con tính độc lập trong Nhà Trắng và phải tự phục vụ mình chứ không đợi người giúp việc.
Ra trường năm 2001, với tấm bằng Lịch sử, Chelsea học tiếp cao học tại Đại học Oxford (Anh), chuyên ngành Quan hệ Quốc tế.
Cũng tại Oxford, Chelsea đã làm một “cuộc cách mạng” việc lột bỏ hình ảnh trước đây để dành nhiều thời gian cho thời trang, để giao du với những người nổi tiếng. Cô có hẳn một thư ký báo chí, người chuyên lên lịch hẹn với những nhân vật thuộc giới thượng lưu.
Bố cô, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton hiểu rằng con gái muốn tận hưởng cuộc sống mà cô mong muốn nên không can thiệp gì. Trái lại, bà Hillary không thích con thay đổi và lo rằng Chelsea sẽ trở thành nhân vật luôn bị những tờ báo lá cải dòm ngó.
Cuối cùng, trước cái “uy” của người mẹ, Chelsea đã dần học được phong cách tự tin từ mẹ và vẻ hòa nhã, lịch thiệp từ bố để trở thành một trong những ái nữ tổng thống có tiếng tăm nhất thế giới.
V. Putin: Để vợ toàn quyền dạy con
Putin và vợ
Trong một lần trả lời phỏng vấn về cách dạy con, bà Lyudmila, phu nhân của Tổng thống Nga Putin đã nhấn mạnh:
“Tôi không bao giờ sử dụng kiểu giáo dục cưỡng bức mà để các con tiếp nhận giáo dục từ nhiều phía.
Tôi nghĩ rằng các con đã có tuổi thơ hạnh phúc, được tập múa, được chơi trò xếp hình. Đặc biệt là không bao giờ bị chửi mắng, dày vò. Chúng luôn sống trong niềm vui, tinh thần thoải mái, khỏe mạnh”.
Điều đặc biệt là Putin không bao giờ can dự vào phương pháp giáo dục con cái của vợ. Khi về nhà cùng vợ con, ông là người hay cười đùa.
Cô con gái đầu, Maria, tốt nghiệp khoa Sinh học – Thổ nhưỡng tại Đại học Saint Petersburg. Cô thứ hai, Yekaterina, học khoa Nghiên cứu phương Đông. Cả hai đều thông thạo tiếng Anh, Đức, Pháp. Sau khi tốt nghiệp Đại học, Maria đã thay đổi tên họ để đi xin việc một số nơi.
Các hồ sơ xin việc của cô đều được chấp nhận, nhưng khi biết cô là con gái Putin, các nơi đều không gọi nữa. Học sau chị một khóa, Yekaterina cũng có nguy cơ… không tìm được việc làm.
Cô học ngành Trung văn, sau chuyển sang học tiếng Nhật với ước mơ trở thành một chuyên gia ngành Nhật Bản học. Tuy nhiên, cô vẫn rất thích văn hóa Trung Quốc. Ngoài việc học thêm tiếng Trung Quốc, cô cùng với Maria còn bái võ tăng Thiếu Lâm tự Thích Diên Khang làm sư phụ để học Kungfu Thiếu Lâm.
Tỷ phú Warren Buffett: Không dạy kiếm tiền mà dạy cách sống
Warren Buffett chủ trương không dạy con cách kiếm tiền mà dạy cách sống.
Ông là cổ đông lớn nhất, kiêm Chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway (Mỹ) và đứng trong top 3 những người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn.
Tuy nhiên, những gì ông dạy con không phải là tiền bạc và cách kiếm tiền mà đơn giản chỉ là cách sống. Peter Buffett – con trai của Warren Buffett tin rằng anh đã nhận được sự đầu tư giáo dục tốt nhất mà bất cứ ai sống trên đời này cũng ước ao.
Cha anh, Warren Buffett, người vốn được xem là “hiền tài xứ Omaha”, ít khi nói chuyện với con về tài chính mà tập trung vào những triết lý của cuộc sống. Chẳng hạn: “Các con không cần phải thử sức trên tất cả các lĩnh vực.
Khi con đã sẵn sàng để đầu tư (ví dụ như nhà đầu tư cổ phiếu), con chỉ cần tưởng tượng nó giống một quả bóng tròn đang di chuyển từ từ”. Tiền là mục tiêu của rất nhiều người. Nhưng với ông, mục tiêu là luôn luôn hành động đúng.
Ông thường đặt ra một số câu hỏi về sản phẩm nào đó và cố gắng xác định sở thích của các con. Chẳng hạn, với một tờ báo, ông sẽ hỏi: “Con có đọc nó thường xuyên không?”, như một cách tìm hiểu con mình?
Ông luôn tạo được sự tin cậy ở các con bằng cách luôn làm đúng như những gì ông nói, toàn vẹn và trung thực. Chính vì vậy, với Peter Buffett, món quà lớn nhất anh có thể tặng cha mình là đi theo bước chân của cha, bằng cách tin tưởng vào chính mình để trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng (anh là người soạn nhạc cho bộ phim “Khiêu vũ với bầy sói”).
Một điều đặc biệt nữa trong cách Warren Buffett dạy con là ông cho phép con mình thất bại và thành công theo cách của riêng chúng. Nói cách khác, ông không phải là người cha luôn luôn bên cạnh con để giúp đỡ. Phong cách quản lý của ông cũng giống như cách ông sống.
Trong kinh doanh, khi nhận ra một người quản lý giỏi, ông nói: “Tôi tin bạn” và sau đó để người ấy làm việc một mình. Kinh nghiệm là tất cả mọi thứ. Khi bạn vấp ngã và tự đứng dậy, bạn sẽ hiểu bản thân mình hơn.
Chính vì cách giáo dục này mà các con của Warren Buffett hiểu rằng, nếu tin cha sẽ ra tay cứu giúp mỗi khi mình gặp rắc rối về tài chính thì sẽ làm suy yếu bất cứ thành công nào mà mình đạt được.
Warren Buffett không để con trông chờ vào tài sản thừa kế. Năm 2006, ông cam kết đóng góp 37 tỷ USD cho Quỹ từ thiện của Bill Gates. Ông cũng từng tuyên bố dành phần lớn tài sản cho các tổ chức phi lợi nhuận chứ không phải là các con sau khi ông qua đời.
Bill Gates: Tiền của cha không có nghĩa là của con
Tỷ phú Bill Gates
Bất cứ lúc nào gia đình Bill Gates nói tới chuyện tài sản, họ cũng đều nói cho các con biết trách nhiệm phải trao tặng nó cho thế giới.
Các con của họ đã có tài khoản riêng, nhưng không phải lúc nào chúng muốn mua gì cũng được mà chờ đến những dịp như sinh nhật, hoặc đợi đến lúc tự để dành đủ tiền.
"Các con tôi phải tìm đường đi của chính mình. Tôi đã cho chu cấp chế độ ăn học đầy đủ và chúng phải tự tìm công việc phù hợp với bản thân để sinh sống", Gates phát biểu trong bài phỏng vấn với tờ Daily Mai( Anh).
Vợ chồng Bill Gates đều dạy cho con biết giá trị cuộc sống và tình yêu thương mỗi ngày. Họ đều đã cam kết trao tặng hết 95% tài sản khổng lồ của mình (hiện ước tính khoảng 50 tỷ USD) cho quỹ từ thiện do họ sáng lập.
Theo Family